Internet Marketing Coaching

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

9 điều cần làm trong quản lý nhân sự

Hầu hết các CEO cũng không có câu trả lời cho câu hỏi: “Làm thế nào để quản lý nhân sự giúp công ty cạnh tranh?”, và họ cũng không có danh sách hoạt động cụ thể cần phải làm của bộ phận phụ trách nhân sự nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh trong công ty.
Vì thế, Liz Ryan, người có kinh nghiệm làm việc cho nhiều công ty trong danh sách Fortune 500 (Mỹ), chia sẻ những việc mà các nhà quản lý nhân sự cần phải làm ngay:



1. Phối hợp với các nhà quản lý để xây dựng và truyền đạt một tầm nhìn cho công ty.

2. Quảng bá công ty gắn với hình ảnh trọng dụng nhân tài, quảng bá bằng mọi phương tiện, kể cả truyền miệng. Một lãnh đạo nhân sự nên hiểu rõ văn hóa của công ty và có những câu chuyện không chỉ sử dụng cho mục đích tuyển dụng, mà còn để tạo động lực cho tất cả các hoạt động với khách hàng, nhà cung cấp, phương tiện truyền thông và cộng đồng doanh nghiệp.

3. Huấn luyện tất cả nhân viên nói lên sự thật tại nơi làm việc. Bởi vì, sự thật là văn hóa của mọi công ty lớn.

4. Củng cố một nền văn hóa doanh nghiệp linh hoạt và khéo léo.

5. Xây dựng một lực lượng nhân sự phù hợp với mục tiêu tăng trưởng của công ty, tạo lập mô hình tuyển dụng hiệu quả.

6. Soạn thảo các quy định nhân sự đáp ứng quy định của công ty nhưng không quá nhiều để không khiến nhân viên bị lúng túng hoặc có cảm giác bị đối xử như trẻ em.

7. Xây dựng một nền văn hóa hợp tác để tạo động lực cho tất cả các hoạt động, chiến lược quan trọng.
8. Gieo ý thức cho nhân viên về công việc kinh doanh, sự nghiệp và cuộc sống nói chung. Đây là việc thường xuyên mỗi ngày chứ không phải cuộc khảo sát hằng năm.
9. Thay thế nỗi sợ hãi bằng sự tin tưởng trong chính sách, các buổi đào tạo, thực hành quản lý, và qua mỗi cuộc nói chuyện tại chỗ.

 (theo  Doanh nhân sài gòn)

CẦN HIỂU GÌ ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI QUẢN LÝ NHÂN SỰ GIỎI

Mỗi nhân viên có cá tính riêng

Có một thực tế mà rất nhiều Giám đốc công ty thừa nhận, quản lý nhân sự là một vấn đề khó khăn và nhiều khi nằm ngoài dự đoán của các nhà quản lý. Bởi vì mỗi nhân viên trong một bộ máy, dù lớn hay nhỏ, dù ở vị trí nào đều là những cá nhân hoàn toàn khác nhau.

Họ có những tính cách đa dạng với những biểu hiện bên ngoài khác biệt. Có người cởi mở, có người kín đáo. Hơn nữa mỗi người lại sống trong những hoàn cảnh riêng biệt.

Chính vì vậy, không có một nguyên tắc cũng như một phép tính chung cho tất cả các nhân viên. Do tầm quan trọng của nó cũng như sự khéo léo và tinh tế cần thiết trong lĩnh vực này mà người ta thường ví nó như một môn nghệ thuật gọi là “nghệ thuật quản lý nhân sự”.

Một nhà quản lý nhân sự giỏi là người biết đánh giá đúng năng lực của từng nhân viên, biết cách động viên khuyến khích, khơi gợi tiềm năng, giúp nhân viên hăng hái làm việc. Nhưng mỗi con người đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Từng nhân viên vì vậy cũng có điểm yếu, điểm mạnh và hoàn toàn có khả năng mắc lỗi. Khi đó nhà lãnh đạo phải đối mặt với việc phải chỉ trích và phê bình nhân viên.

Đây là một trong những công việc đòi hỏi nghệ thuật ứng xử và khéo léo của các nhà lãnh đạo để đạt được mục đích nhưng lại không gây tổn thương đến lòng tự trọng hay làm nhân viên đó mất tự tin vào bản thân mình. Cách phê bình thẳng thắn, gay gắt hay sự nhắc nhở nhẹ nhàng, tế nhị sẽ đạt hiệu quả cao? Điều đó tuỳ thuộc vào từng trường hợp và từng cá nhân cụ thể.

Có một thương gia làm chủ một hệ thống cửa hàng ăn nhanh nổi tiếng. Việc làm ăn khá phát đạt. Có một thời gian, việc kinh doanh hệ thống cửa hàng bỗng trở nên sa sút. Ông ta phát hiện ra rằng, sau thành công ban đầu, các vị giám đốc trở nên chủ quan và quan liêu trong quản lý, ngồi ỳ trong phòng chỉ đạo từ xa mà không đi sâu vào thực tế hoạt động cửa hàng. Nhân viên không được quản lý sát sao, tính tổ chức và thái độ phục vụ khách hàng kém dần, do vậy mà việc kinh doanh ở các chi nhánh trở nên bê trễ, kém hiệu quả, khách hàng mới đến thì ít, khách quen bỏ đi thì nhiều.

Vị thương gia này rất thất vọng và phẫn nộ, ông định triệu tập cuộc họp chất vấn, chỉ trích các vị giám đốc này. Suy đi tính lại, ông thấy vấn đề không phải các vị giám đốc chi nhánh không đủ năng lực, hơn nữa, chính họ có công tạo nên thành công của hệ thống trong giai đoạn đầu. Ông ta nghĩ ra một kế.
Ngày hôm sau, các chi nhánh nhận được mệnh lệnh trực tiếp từ ông chủ, đó là tháo bỏ phần lưng ghế tựa của các giám đốc. Họ rất ngạc nhiên không hiểu tại sao lại có mệnh lệnh kỳ quặc đó nhưng vì đó là mệnh lệnh nên họ vẫn phải chấp hành. Qua vài ngày làm việc với cái ghế không có lưng tựa, họ giật mình nhận ra thông điệp của ông chủ. Vị thương gia này đã nhuần nhuyễn nghệ thuật "trỏ dâu trách hòe".

Tại tập đoàn sản xuất xe hơi lớn thứ hai trên thế giới là Toyota, một quy tắc được đề ra là các nhà quản trị không được quát tháo, đe dọa hoặc trừng phạt nhân viên dưới quyền khi có sai sót xảy ra. Thực ra đó không phải là cách quản lý e ngại nhân viên, mà thái độ xử sự này mới bảo đảm các lỗi sai, hỏng được báo cáo ngay và đầy đủ. Từ đó, người quản lý mới có thể tìm ra nguyên nhân sâu xa, giúp cho việc sửa đổi chính sách và các quy trình thực hiện công việc phù hợp hơn và sát với thực tế của công ty hơn.

Trách mắng nhân viên hẳn nhiên sẽ không khích lệ mọi người thông báo với cấp trên những việc sai sót và như vậy cũng khó tìm ra nguyên nhân sâu xa của sai lầm. Chính vì phương châm quản lý con người giàu tính nhân văn này mà sự nghiệp kinh doanh của Toyota ngày một phát triển hơn, nguồn lực con người của họ luôn ổn định và lớn mạnh.

Không có một giải pháp nào chung để giải quyết vấn đề nhân sự cho tất cả các doanh nghiệp. Sự thành công đó phụ thuộc vào kinh nghiệm, sự hợp lý trong ứng xử của mỗi nhà quản lý. Nếu doanh nghiệp có giải pháp đúng, họ sẽ có một nguồn nhân lực ổn định và gắn bó lâu dài với công ty.
(Theo Thời Báo Kinh Tế VN)

Quản lý nhân sự là một nghệ thuật

Để một bộ máy chạy tốt đòi hỏi từng mắt xích cũng phải tốt. Tương tự như vậy, các công ty muốn thành công cần có một đội ngũ nhân viên giỏi và nhiệt tình. Để được như vậy, phần lớn do nghệ thuật dùng người của người quản lý.

Quản lý nhân sự không tốt sẽ dẫn đến:

Sự bất mãn của nhân viên: Các nhân viên sẽ không còn sự hào hứng với công việc, tồi tệ hơn nữa họ sẽ cố tình phá hoại ngầm các hoạt động của công ty. Thậm chí, khi nói chuyện với khách hàng họ sẽ nói những điều không tốt về công ty.

Không tuân thủ các quy tắc: Các nhân viên sẽ không tôn trọng các quy tắc nữa, họ sẽ thường xuyên đi làm muộn, không tham gia các buổi họp và đi ăn trưa nhiều giờ đồng hồ.

“Đầu độc” môi trường làm việc: Họ sẽ tìm cách biến sự nhiệt tình, hào hứng với công việc của những người mới đến trở nên tiêu cực.

Nếu tìm được đúng đáp án cho bài toán quản lý nhân sự:

Sự nhiệt tình của nhân viên: Các nhân viên sẽ cảm thấy vui vẻ và luôn muốn tạo ra nhiều lợi nhuận hơn cho công ty vì bạn giúp họ hiểu rằng lợi nhuận của công ty tăng tỷ lệ thuận với lương của họ.

Luôn đi làm với ý thức trách nhiệm cao: Họ ý thức được rằng mỗi ngày lao động của họ đã đóng góp không chỉ cho họ, cho công ty họ mà còn cho sự phát triển của xã hội.

Luôn tin tưởng lẫn nhau: Các nhân viên làm việc với nhau trên tinh thần hợp tác và thân thiện, với sếp là sự tôn trọng giữa nhân viên cấp trên và cấp dưới.

Để việc quản lý nhân sự có hiệu quả, bạn cần tuân thủ những mục tiêu sau:

Công bằng: Khi áp dụng bất kỳ chính sách nào bạn cần phải tìm hiểu xem liệu chúng có phù hợp với nhân viên hay không? Đảm bảo tiền lương, thưởng, thủ tục trả lương và môi trường làm việc phù hợp với tiêu chuẩn luật pháp đưa ra.

Biết cách khuyến khích nhân viên: Khi nhân viên nào đó có đóng góp đặc biệt cho công ty cần có chế độ thưởng và khen ngợi tức thì. Cần tìm ra liệu điều gì sẽ thúc đẩy các nhân viên làm việc nhiệt tình và có trách nhiệm. Đôi khi bạn nên tổ chức cho mọi người một buổi tiệc nhỏ để giúp giảm bớt căng thẳng và mọi người có cơ hội trò chuyện với nhau nhiều hơn.

Thái độ của sếp: Cách cư xử của sếp chính là yếu tố cần thiết để tạo ra thành công. Nếu sếp luôn đối xử với nhân viên trên tin trọng lẫn nhau và một thái độ tích cực thì sếp sẽ có những nhân viên làm việc năng suất thực sự.

Thủy Nguyễn
Theo EZINE

ỨNG DỤNG BINH PHÁP TÔN TỬ TRONG QUẢN TRỊ NHÂN SỰ


Ngẫm về Binh pháp Tôn Tử

Binh pháp Tôn Tử nói: “Tướng là tướng soái”, tức nói về tài trí, uy tín, lòng nhân ái, lòng can đảm, sự uy nghiêm của người tướng…”. Nói cách khác, người làm tướng phải có ngũ đức: Trí, Tín, Nhân, Dũng, Nghiêm.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn đề cập đến chữ NHÂN của người làm tướng và vận dụng chữ NHÂN với nghệ thuật quản trị nhân sự trong kinh doanh. NHÂN- lòng nhân ái, chỉ tình yêu thương, sự quý mến của bậc làm tướng đối với quân lính. Một vị tướng biết yêu thương quân lính thì quân lính sẽ xả thân vì mình mà xông pha nơi trận mạc, dẫu muôn chết cũng không từ. Câu chuyện dưới đây là một trong những ví dụ điển hình:

Ngô Khởi hút nhọt cho binh lính (1)

Ngô Khởi là tướng của nước Ngụy dẫn quân đi đánh nước Trung Sơn. Trước khi xuất phát, ông phát hiện một binh lính trên chân mọc một cái mụn nhọt mưng mủ rất lớn, thì lập tức cong người quỳ xuống giúp anh ta hút mủ ra.
Về việc đó, người mẹ của anh lính này khi biết tin đã lập tức thương tâm khóc lớn, người bên cạnh cảm thấy kỳ lạ, bèn hỏi bà ta: “Ngô tướng quân đối với con bà tốt như thế, tại sao bà lại khóc như vậy chứ?”.
Người mẹ ấy trả lời: “Trước đây Ngô Khởi đã hút mủ nơi cái mụn nhọt lớn của bố nó, bố nó hoài cảm trong lòng, do đó mà dũng cảm tiến lên phía trước giết địch, kết quả là chết trận ở sa trường, thử hỏi làm sao tôi lại không khóc được chứ ?”
Người mẹ của anh lính đã nhìn thấy kết cục của con trai mình từ bài học của người bố là sẽ chết nơi sa trường. Nhưng nếu nhìn ở góc độ người lính và những binh sĩ xung quanh là đồng đội của anh ta thì họ chỉ biết cảm kích vô cùng trước tấm lòng của một vị tướng hết mực thương yêu quân lính và họ sẵn sàng xả thân để đền đáp ân đức đó.

Lưu Bị vì tướng ném con (2)

Trong trận chiến ở cầu Trường Bản, Triệu Tử Long xông pha nơi trận mạc cứu được ấu chúa A Đẩu.
Khi Triệu Tử Long hai tay nâng A Đẩu đưa cho Lưu Bị, Lưu Bị đỡ lấy A Đẩu rồi ném phịch xuống đất nói:“Vì mày suýt nữa ta mất một viên đại tướng”.
Triệu Tử Long vội vàng cúi xuống đất ôm lấy A Đẩu, khóc lạy, nói: “Vân dù gan óc lầy đất, cũng không đủ báo được!”.
Các nhà phân tích và độc giả sau này cho rằng hành động ném con của Lưu Bị là “giả dối”, là để “lấy lòng tướng sĩ” nhưng không thể phủ nhận rằng Lưu Bị là một người rất yêu thương binh lính và dân chúng. Vả lại, nếu đặt mình vào vị trí Triệu Tử Long thời bấy giờ thì Triệu Tử Long cũng không thể nghĩ và chưa bao giờ nghĩ rằng Lưu Bị không thật lòng thương yêu mình. Triệu Tử Long đã một lòng trung thành và hết sức phò tá cho sự nghiệp của Lưu Bị, đến tận khi nhắm mắt Triệu Tử Long vẫn còn trăn trở là chưa giúp nhà Hán thống nhất được thiên hạ.
Có thể nói những vị tướng tài ba đều là những người biết dùng tình yêu thương của mình- chữ NHÂN để cảm hóa quân sĩ, khiến cho quân sĩ một lòng, một dạ đi theo và sẵn sàng xả thân vì mình, coi sự xả thân đó là một vinh dự, một sự đền đáp ân đức. Đạt đến mức này chính là các tướng lĩnh đã “Lãnh tụ được tinh thần binh sĩ”. Đây là nghệ thuật cao nhất của quản trị nhân sự.

Ứng dụng Binh pháp Tôn Tử trong quản trị nhân sự

Ứng dụng Binh Pháp Tôn Tử trong kinh doanh nói chung và trong Quản trị nhân sự nói riêng phải nói đến là Nhật Bản.
Theo Thời báo kinh tế thế giới ra ngày 24-01-1983, một phái đoàn quản lý doanh nghiệp Trung Quốc đi thăm Nhật Bản để tham khảo kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, họ đã được cán bộ phía Nhật Bản giải thích rằng: “Kinh nghiệm quản lý của chúng tôi đều xuất phát từ đất nước Trung Quốc của các anh”. Sau đó, phía Nhật Bản đã tặng cho phái đoàn Trung Quốc một cuốn sách, thật bất ngờ, đó chính là Binh pháp Tôn Tử.
Vậy người Nhật đã ứng dụng chữ NHÂN trong Binh pháp Tôn Tử với nghệ thuật quản trị nhân sự như thế nào?

Chữ “NHÂN”- Nhân hòa, yêu mến cán bộ, nhân viên

Trong các buổi liên hoan tổng kết cuối năm, Ban lãnh đạo một số doanh nghiệp Nhật thường tự vào bếp nấu nướng và làm tiệc phục vụ nhân viên. Các nhân viên thì vui chơi các trò chơi có thưởng như kéo co, vật, cầu lông, bóng đá..., trên sân khấu thì các phòng/ban hình thành các đội văn nghệ thi biểu diễn nghệ thuật với nhau. Lúc này toàn bộ nhân viên là người hưởng trọn vẹn niềm vui trong buổi liên hoan cuối năm còn toàn bộ Ban lãnh đạo trong vai trò người phục vụ. Trong bữa tiệc, họ cũng thường là người chủ động mời bia, mời rượu và nâng cốc cảm ơn, chúc mừng cấp dưới. Điều này thể hiện sự hòa đồng, sự yêu mến của Ban lãnh đạo đối với toàn thể cán bộ, công nhân viên. Trong một chừng mực nào đó nó cũng giống như Ngô Khởi hút nhọt cho binh lính. Một hành động của người cấp trên cúi mình phục vụ người cấp dưới một cách thành tâm, thành ý. Danh ngôn của giới doanh nhân Pháp cũng nói “Yêu quý nhân viên một lần thì họ sẽ yêu quý công ty gấp trăm lần”.

Chữ “NHÂN”- Yêu mến gia đình, người thân của cán bộ, nhân viên

Không dừng lại ở sự thương yêu, quý mến nhân viên mà họ còn rất quan tâm đến các thành viên trong gia đình của cán bộ công nhân viên. Khi cán bộ, nhân viên đưa vợ con, gia đình đến tham dự ngày hội gia đình thì ngay lúc vào cổng họ đã được đón chào nồng nhiệt bởi những cô lễ tân tươi trẻ và các chú “vịt donal” ngộ nghĩnh. Tiếp đó, toàn gia đình sẽ cùng chụp một kiểu ảnh lưu niệm trước khi vào trong tham dự buổi lễ chính thức.
Trong ngày hội gia đình thường sẽ có phần trao thưởng học bổng cho con em cán bộ, công nhân viên có thành tích học tập xuất sắc. Bạn hãy hình dung người con yêu dấu của bạn bước lên sân khấu đi giữa những tràng pháo tay vang dội, vinh dự đón nhận học bổng mà vị Tổng giám đốc trao tặng. Bạn thấy vợ mình cười thật tươi xen lẫn những giọt nước mắt vui sướng. Hai người cùng nắm chặt tay nhau cảm nhận niềm hạnh phúc khi có người con yêu đáng tự hào như vậy.
Tôi đã rất xúc động trước bài phát biểu của vị Tổng giám đốc Công ty Yamaha Motor Việt Nam trong một ngày hội gia đình. Trong đó có đoạn: “…Nhân dịp này tôi xin bảy tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất tới những người bố, người mẹ, những người vợ, người chồng đã không quản khó khăn, vất vả đảm đương công việc gia đình, hy sinh thời gian của mình giúp người thân của mình hoàn thành xuất sắc công việc tại gia đình Yamaha. Các bạn thực sự là hậu phương vững chắc cho sự thành công chung của chúng ta…”.
Vị tổng giám đốc đã thành tâm, thành ý cảm ơn những người thân trong gia đình cán bộ, công nhân viên, ghi nhận công lao, sự hy sinh của họ, coi công ty là một đại gia đình thống nhất của họ. Vì lẽ đó, vì chữ NHÂN của người lãnh đạo mà cán bộ, công nhân viên yêu mến công ty, sẵn sàng thức khuya dạy sớm vì công ty. Mặt khác, những người thân trong gia đình của cán bộ, công nhân viên cũng sẽ luôn luôn tạo điều kiện, động viên, cổ vũ họ cống hiến hết mình cho công ty.

Chữ “NHÂN”- Mạnh Thường Quân giang tay cứu giúp cán bộ, nhân viên.

Mỗi khi nhân viên gặp hoàn cảnh khó khăn đặc biệt: vợ, chồng bị tai nạn, con bị ốm nặng…Lãnh  đạo thường chỉ đạo phong trào quyên góp để ủng hộ. Với công ty 3.000 người mỗi người chỉ cần hỗ trợ 30 nghìn thì đã có 90 triệu. Người bị nạn có khoản trợ giúp này sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn. Điều đặc biệt là sau khi nhận hỗ trợ người được nhận hỗ trợ sẽ sống với tấm lòng cảm kích và yêu mến tất cả đồng nghiệp. Đây là chất keo kết dính rất hữu hiệu cho tinh thần đoàn kết toàn công ty.
Hơn thế nữa, Lãnh đạo luôn là người tham gia hỗ trợ nhiều nhất. Có trường hợp con của nhân viên ốm nặng mà nhân viên thì hoàn cảnh lại rất khó khăn,  lãnh đạo yêu cầu chuyển toàn bộ hóa đơn viện phí để lãnh đạo thanh toán giúp. Với bản thân tôi, ngay cả khi tôi đã rời công ty Yamaha nhưng khi tối ốm nặng thì những người Sếp cũ của tôi là anh Hoàng Hà và chị Lê Bích Ngọc vẫn tổ chức cho cán bộ nhân viên của bộ phận mình tới thăm hỏi và động viên tôi rất nhiều lần.

Chữ “NHÂN”- Lãnh tụ tinh thần

Một trong số những nhân viên tôi quản lý sau khi nghỉ việc ở Yamaha đã nói “Xác có thể đi nhưng hồn vẫn ở lại”. Đối với bản thân tôi, tôi đã không còn làm việc ở Yamaha Motor gần 3 năm, một buổi trưa chủ nhật hai vợ chồng cùng nằm nghỉ, bỗng vợ tôi nói:“Từ ngày anh không làm việc ở Yamaha nữa em thấy buồn quá!”. 
Tôi hỏi: “Em muốn đi chơi ở đâu thì anh đưa em đi chơi ở đó có gì mà phải buồn?”
Vợ tôi trả lời: “Nhưng mình sẽ không thể có được cảm xúc giống như cảm xúc ngày mình còn sống trong gia đình Yamaha”.
Tôi lặng im và ngẫm thấy rằng, nghệ thuật quản trị nhân sự cao nhất là nghệ thuật lãnh tụ được tinh thần của cán bộ, công nhân viên. À! Mà chưa đủ. Đó là nghệ thuật lãnh tụ tinh thần của cả những người thân yêu của họ nữa! Làm được điều này, hãy bắt đầu từ chữ “NHÂN”.

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2012
Tác giả: Trần Văn Nghĩa (Bài viết đã được đăng trong cuốn Kỷ yếu ngày nhân sự Việt Nam năm 2013)

Trích dẫn
(1)  Ngoại Trữ Thuyết Tả Tượng- Hàn Phi Tử
(2)  Tam Quốc Diễn Nghĩa- La Quán Trun



 
Internet Marketing Internet Marketing
10 10 1125 (c) by